Công nghệ Blockchain tạo đột phá cho lĩnh vực định danh số

31/03/2022
(Công Thương) - Việt Nam được đánh giá là quốc gia có tiềm năng lớn để phát triển ứng dụng công nghệ chuỗi khối (Blockchain) trong nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, trong đó có lĩnh vực định danh số.

Nhằm nâng cao nhận thức đối với công nghệ Blockchain, chiều ngày 30/3, tại TP. Hồ Chí Minh, Công viên Phần mềm Quang Trung (QTSC) phối hợp với Công ty Cổ phần Blockchain Việt Nam (VBC), Quỹ châu Á - Việt Nam (TAF), Công ty Cổ phần dịch vụ An toàn thông tin TP. Hồ Chí Minh (HISSC) tổ chức hội thảo “Công nghệ Blockchain và giải pháp định danh số”.

Công nghệ Blockchain tạo đột phá cho lĩnh vực định danh số
Diễn giả chia sẻ kiến thức kỹ thuật và tiềm năng áp dụng đa ngành, đa lĩnh vực của công nghệ Blockchain

Tại Việt Nam, Blockchain được ưu tiên nghiên cứu, phát triển và ứng dụng để chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư theo Quyết định số 2117 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó công nghệ Blockchain được xếp thứ 4 sau trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật, công nghệ phân tích dữ liệu lớn (Big data) trong loạt các công nghệ số chủ chốt.

Blockchain là công nghệ lưu trữ và truyền tải dữ liệu an toàn, dựa trên hệ thống mã hoá, bằng các khối liên kết với nhau và mở rộng theo thời gian, tính năng đặc biệt là không đòi hỏi nhiều bên trung gian xác nhận thông tin. Nhờ chia sẻ dữ liệu minh bạch và có tính bảo mật cao, tiết kiệm chi phí và xác thực tin cậy... công nghệ này là một trong những xu hướng đột phá, được ứng dụng ở nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác nhau như: kinh tế số, tài chính ngân hàng, bán lẻ, logicstics, viễn thông, định danh số...

Nhận định về ứng dụng công nghệ Blockchain trong định danh số, ông Đỗ Văn Long - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Vietnam Blockchain - cho biết, trong khoảng vài năm trở lại đây, không chỉ các doanh nghiệp (DN) mà Chính phủ và các cơ quan ban ngành Việt Nam cũng chú trọng quan tâm và đề ra định hướng đến việc sử dụng các ứng dụng, giải pháp của công nghệ mới 4.0 nhằm hỗ trợ định danh số và cải tiến, tự động hóa quy trình làm việc của tổ chức, DN.

Công nghệ Blockchain tạo đột phá cho lĩnh vực định danh số
Các chuyên gia thảo luận về tầm quan trọng và tiềm năng của công nghệ Blockchain trong định danh số

Hiện nay, công nghệ Blockchain đang được đánh giá là một trong những xu hướng công nghệ đột phá, sở hữu những đặc tính chuyên biệt có tầm quan trọng trong việc chuyển đổi số cho đa ngành đa lĩnh vực tại Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực xác thực thông tin.

Đặc biệt, định danh số cung cấp thông tin xác thực cần thiết của một người trên môi trường trực tuyến, giúp đơn giản hóa tương tác giữa các cá nhân, Chính phủ và DN, từ đó có thể mang lại những lợi ích đáng kể, đặc biệt trong các quy trình cung cấp dịch vụ công trực tuyến giữa Chính phủ và công dân, Chính phủ và DN, thúc đẩy phát triển Chính phủ điện tử.

Trong khi đó, ông Filip Graovac - Phó trưởng đại diện, Quỹ châu Á tại Việt Nam cho rằng, công nghệ định danh số là một trong những công nghệ quan trọng nhất xuất hiện kể từ khi Internet ra đời. Nó được thúc đẩy bởi những nhu cầu mới phát sinh từ những thay đổi kinh tế và xã hội trên nhiều mặt. Con người ngày càng di động. Các nơi làm việc đang trở nên phụ thuộc vào những người lao động “tự do” được thuê theo hợp đồng ngắn hạn để các công ty có thể nhanh chóng thích ứng với hoàn cảnh luôn thay đổi.

Định danh số có thể đáp ứng nhu cầu này bằng cách cung cấp bằng chứng về danh tính, quyền lợi, khả năng và trình độ của chúng ta. Khi các công ty và Chính phủ tận dụng định danh số để đơn giản hóa việc cung cấp dịch vụ của họ, mỗi chúng ta sẽ quan tâm hơn tới việc sử dụng định danh số. Và khi làm như vậy, chúng ta sẽ thấy mình đang ở trong một thế giới mà chúng ta “thực sự biết mình đang kết nối với ai”.

Hệ thống quản lý danh tính dựa trên chuỗi khối, hoặc một mã định danh số phi tập trung (a decentralized digital identifier) có thể được sử dụng để loại bỏ các vấn đề định danh hiện tại như: không thể truy cập, mất an toàn dữ liệu, định danh giả.

Mỗi định danh số có thể được liên kết với một loạt chứng thực (thông tin xác thực) do các tổ chức khác cấp, chứng thực các đặc điểm cụ thể của định danh đó - ví dụ: vị trí, tuổi, bằng cấp, kinh nhiệm làm việc, lương...

Những chứng nhận (credentials) được mã hóa xác thực bởi tổ chức phát hành (issuers) của họ, cho phép chủ sở hữu định danh số có thể lưu trữ các chứng nhận thông tin này thay vì phụ thuộc vào một nhà cung cấp hồ sơ duy nhất và có thể chọn phần thông tin nào để chia sẻ với người xác thực mà không cần dựa vào kho lưu trữ dữ liệu định danh trung tâm (a central repository of identity data).

“Bất kỳ công nghệ nào cũng có thể tạo ra những vấn đề, đồng thời có thể giải quyết được các vấn đề đó. Bởi vì định danh số sẽ có tác động mạnh mẽ, nên chúng ta cần đặc biệt cẩn thận rằng nó không được sử dụng theo những cách vi phạm luật về nhận dạng”- ông Filip Graovac nhấn mạnh.

Minh Khuê - Báo Công Thương

Chuỗi QTSC

Thành viên QTSC