Khắc phục những hạn chế trong dạy và học online

04/10/2021

Ông Hà Duy Bình đã demo lớp học trực tuyến với nhiều công cụ giảng dạy.

Ông Hà Duy Bình đã demo lớp học trực tuyến với nhiều công cụ giảng dạy.

(Thế Giới Số) - Sáng 2/10/2021, Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM, Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC), Trung tâm Hỗ trợ và Tư vấn Chuyển đổi số TP.HCM (DXCenter) và INTEL tổ chức Hội thảo trực tuyến: “Thách thức và cơ hội của việc dạy học và đánh giá trên môi trường internet. Ứng dụng mô hình dạy học Blended teaching & learning”.

Năm học 2021 – 2022,  tất cả học sinh tại TP.HCM từ tiểu học đến cấp ba (hơn 1,7 triệu học sinh) đã bắt đầu học trực tuyến được vài tuần. Đây là phương pháp học tốt nhất hiện nay nhằm đảm bảo quá trình học tập của các em học sinh không bị gián đoạn và bảo đảm được sức khỏe của học sinh.

Tuy nhiên, việc học trực tuyến cũng mang lại khá nhiều khó khăn cho cả giáo viên, phụ huynh và học sinh như: Mức độ tập trung dành cho bài học và chất lượng kiến thức tiếp thu của con có được đảm bảo. Đồng thời, đối với giáo viên thì việc giảng dạy, quản lý và kiểm tra đánh giá học sinh khi học trực tuyến cũng gặp vô số những bất lợi. Việc công nhận và đánh giá chất lượng một tiết dạy trên internet còn đang thảo luận. Trong đó bao gồm theo dõi lên lớp, điểm danh, phương pháp giảng dạy, theo dõi người học, kiểm tra, đánh giá… tất cả đều trên môi trường internet.

Hội thảo “Thách thức và cơ hội của việc dạy học và đánh giá trên môi trường internet. Ứng dụng mô hình dạy học Blended teaching & learning” tập trung xoay quanh các vấn đề chính: (1) Chia sẻ kinh nghiệm, đề xuất giải pháp khắc phục hạn chế, cải thiện chất lượng kiểm tra và đánh giá trực tuyến trong giảng dạy hiện nay, và cơ chế hỗ trợ từ cơ quan quản lý; (2) Phân biệt rõ dạy trực tuyến, học trực tuyến, lớp học ảo trực tuyến (kết hợp online và offline – blended teaching & learning); (3) Xây dựng lớp học ảo, cách thức phát triển, khai thác hệ thống học liệu điện tử; (4) Tổ chức đánh giá quá trình trong môi trường dạy học trên internet; (5) Giới thiệu, hướng dẫn áp dụng phần mềm, ứng dụng vào giảng dạy trên internet; (6) Các vấn đề về tâm lý và các biện pháp xử lí bức xúc, phát hiện kịp thời và thỏa mãn những nhu cầu thiết của học sinh khi học trên internet.

Thời gian đầu cần duy trì kết nối, tạo động lực – không nên đặt mục tiêu cầu toàn

Chia sẻ tại hội thảo, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Hải – Chuyên gia về giáo dục STEM, Viện nghiên cứu giáo dục STEM, Đại học Missouri (Mỹ) nhận định, có thể có sự khác nhau trong dạy học truyền thống và trên internet, nhưng chắc chắn là cách truyền tải kiến thức, sử dụng phương pháp và kỹ thuật dạy học, kiểm tra đánh giá thì không khác nhau. Đối với dạy online đúng bài bản thì phương pháp đánh giá cũng rất nghiêm ngặt, chặt chẽ. Và điều này còn tùy thuộc rất nhiều vào trang thiết bị, công nghệ và phương pháp sư phạm của giáo viên. 

Giáo viên trước hết cần hiểu về cách học trên môi trường internet khác với cách học trực tiếp. Người học trên môi trường internet có thể bị phân tâm bởi rất nhiều yếu tố môi trường bên ngoài mà giáo viên không thể nào kiểm soát hết được. Do vậy, cần chuẩn bị rất nhiều tình huống, công cụ hỗ trợ, và đặc biệt là giữ mối liên hệ chặt chẽ và mật thiết với phụ huynh học sinh. Tuy nhiên, không nên làm phức tạp hóa quá trình dạy học, cố gắng đơn giản hóa, dễ hiểu và dễ áp dụng nhất có thể. Thời gian đầu không nên cầu toàn, mà nên hướng đến duy trì sự kết nối, tạo động lực cho cả giáo viên và học sinh.

Kinh nghiệm tại Hoa Kỳ cho thấy các giáo viên phải được hướng dẫn một số công cụ dạy học, giáo viên được tạo điều kiện tối đa để chủ động và sáng tạo trong bài giảng. Họ không đặt nặng vấn đề thành tích hay điểm số. Họ hiểu giai đoạn này là khó khăn chung cho tất cả mọi người, đặc biệt là các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn hoặc gặp vấn đề tâm lý. Giáo viên là người truyền cảm hứng để học sinh tự học, tự nghiên cứu. 

Theo thầy Nguyễn Minh Thiên Hoàng, Phó Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở Giáo dục & Đào tạo TP.HCM, giáo viên phải tạo không khí học tập thoải mái sẽ hiệu quả trong việc truyền đạt kiến thức cho học sinh. Giúp các học sinh yêu thích học tập, thông tin truyền tải vừa đủ kích thích học sinh yêu lớp học. Ngoài ra, các giáo viên cũng nên xem xét lại cách đánh giá kết quả học tập của học sinh, không nên phụ thuộc hoàn toàn đến bài kiểm tra cuối kỳ. Giáo viên phải quan sát quá trình học của học sinh trong mọi thời điểm dù là học trực tuyến hay học trực tiếp để đánh giá quá trình học tập tiến bộ của học sinh. Điều này giúp học sinh đặc biệt là học sinh tiểu học không áp lực thi cử, từ đó sẽ không có gian lận như nhiều người lo lắng.

Kinh nghiệm từ Tiến sỹ Lê Chi Lan, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Sài Gòn, để đảm bảo năng lực giáo viên dạy trên môi trường internet cần phải xây dựng cơ sở hạ tầng giáo dục, xây dựng tài liệu giảng dạy kỹ, xây dựng các tài liệu đánh giá giáo viên khi lên lớp, kiểm tra chất lượng lên lớp. Phải đề ra mục tiêu cụ thể, có kế hoạch chi tiết và tổ chức chu đáo. Bên cạnh đó Ban giám hiệu, Hiệu trưởng các trường phải chỉ đạo, quan tâm sát sao, phải tham gia trải nghiệm để biết giáo viên gặp khó khăn gì để giúp họ vượt qua. Các trường cũng cần có đội ngũ kiểm tra, đánh giá giáo viên, kịp thời hỗ trợ giáo viên, động viên, hướng dẫn để giáo viên thấy yên tâm thực hiện tốt nhiệm vụ.

Sự sẵn sàng hỗ trợ của công nghệ từ phần cứng, công cụ phần mềm, đến tài nguyên học liệu điện tử

Để tăng thêm hiệu quả dạy và học trực tuyến, ông Hà Duy Bình, Giám đốc Công ty Cổ phần Mạng Trực Tuyến Việt Sin (VsionGlobal), Chuyên gia nghiên cứu công nghệ giáo dục khuyến nghị, giáo viên đang rất cần các tài nguyên học liệu điện tử như phần mềm thiết kế bài giảng trực tuyến, đa phương tiện, thí nghiệm ảo… để phục vụ công việc thiết kế bài giảng, tổ chức hoạt động dạy và kiểm tra đánh giá trên internet. Các đơn vị có thể có những chính sách và kế hoạch đầu tư dài hơi cho lĩnh vực xây dựng tài nguyên học tập trực tuyến có chất lượng, phong phú, không chỉ cho thời gian trước mắt và về lâu dài, vì tài nguyên vẫn luôn còn đó trên không gian mạng, có các chuyên gia uy tín kiểm định và đánh giá.

Bên cạnh đó, các giáo viên cũng đang cố gắng để thay đổi phương pháp giảng dạy. Như việc các giáo viên đứng giảng trong điều kiện phấn trắng bảng đen tại lớp học online, đưa truyền thống vào trong lớp học online, khiến cho học sinh cảm thấy thân quen. Ông Bình khuyên các giáo viên nên sử dụng thêm nhiều công cụ, ứng dụng học trực tuyến thì tiết học sẽ sinh động, thu hút học sinh hơn. 

Covid-19 đã biến nhu cầu về giáo dục thông minh rất mạnh và đang tăng tốc trên toàn thế giới. “Là một tập đoàn công nghê, Intel đã và đang đưa ra những công nghệ ứng dụng trong giáo dục thông minh và bây giờ là thời điểm thích hợp để đưa vào những công nghệ đó. Giáo dục thông minh lấy con người và dữ liệu làm trung tâm, tận dụng những công nghệ thông minh và tạo ra phương pháp học tập mới. Cơ sở hạ tầng phù hợp, các thiết bị và ứng dụng tiên tiến sẽ giúp giáo dục dễ tiếp cận, hiệu quả và cá nhân hóa hơn” – bà Đỗ Hồng Dinh – Giám đốc Kinh doanh IoT Tập đoàn Công nghệ Intel cho hay.

Các điểm nhấn trong lớp học thông minh do Intel đề xuất

Các điểm nhấn trong lớp học thông minh do Intel đề xuất

Đánh giá về vai trò của phần mềm trong việc truyền tải kiến thức và đánh giá người học, ông Nguyễn Hà Nguyên, Đại diện Trung tâm Thông Tin và Chương Trình giáo dục, Sở Giáo dục & Đào tạo TP.HCM cho rằng, chúng ta phải xác định là phần mềm không đánh giá trình độ học sinh cũng như không tạo ra nội dung kiến thức cho học sinh. Việc đánh giá và nội dung kiến thức được thực hiện theo những khung chương trình chung, phần mềm chỉ là một môi trường phi truyền thống để thực hiện việc dạy và học theo khung chương trình đó. Đương nhiên nếu giáo viên áp dụng công nghệ không đúng cách hoặc người học không chuẩn bị điều kiện kỹ thuật tối ưu sẽ có ảnh hưởng đến kết quả đầu ra, ví dụ như rớt mạng trong lúc kiểm tra, đang làm bài tập, chưa kịp lưu thì rớt mạng hoặc không thể tham gia các lớp học trực tuyến của giáo viên dẫn đến thiết hụt kiến thức. Tuy nhiên, một phương pháp tích cực để dạy và học trên môi trường internet vẫn là điều kiện tiên quyết cho kết quả đánh giá chính xác.

Riêng việc quản lý ông Nguyên khẳng định không có vấn đề gì, có thể giải quyết hoàn toàn bằng công nghệ dữ liệu. Thời gian qua Sở đã xây dựng nền tảng kết nối HCM EDU SSO để định danh thống nhất người học trên toàn bộ hơn 10 hệ thống quản lý dạy và học trực tuyến hiện nay để thống kê được tình hình dạy và học tại các trường thông qua dữ liệu đăng nhập, các hệ thống trả kết quả đầu ra về thì dữ liệu này có thể sắp xếp với hồ sơ học sinh đang lưu trữ tại CSDL dùng chung của Ngành.

Cầm Phong - Thế Giới Số

Chuỗi QTSC

Thành viên QTSC