Những doanh nghiệp có CEO trẻ sẽ đi tiên phong trong chuyển đổi số?

21/09/2018

Những CEO trẻ có tư duy và sự nhạy bén với các thay đổi của thế giới sẽ là đối tượng cần thực hiện chuyển đổi số và họ thật sự có nhu cầu này.

chuyen-doi-co-ceo-tre

Doanh nghiệp chuyển đổi số cần phải có chiến lược rõ ràng và những bước thực hiện phải theo một lộ trình đúng. Trong ảnh: Nhà máy sản xuất các sản phẩm cơ khí của một doanh nghiệp tại Đồng Nai. Ảnh: Hà Thế An.

CEO startup Ami Lê Hoàng Nhật đã chia sẻ với Tạp chí Khám phá như vậy về chủ đề “Chuyển đổi kinh tế số trong Cách mạng 4.0” do Công viên phần mềm Quang Trung và Hội các nhà khoa học và chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global) phối hợp tổ chức sáng 20/09.

Nhật chia sẻ, để hoạt động chuyển đổi số được ứng dụng vào các doanh nghiệp cần phải có một lộ trình và chiến lược lâu dài chứ không phải làm một sớm một chiều. Vì vậy, nhận thức của người lãnh đạo là vấn đề quan trọng để doanh nghiệp tham gia vào việc chuyển đổi số.

Vì thế, ở nhiều nơi, doanh nghiệp mà Ami hướng đến là những doanh nghiệp có lãnh đạo trẻ. Vì đây là đối tượng sống trong thời đại số nên họ có tư duy và sự nhạy bén với những thay đổi của thế giới và họ thật sự có nhu cầu chuyển đổi số.

“Khi đã có những người đầu tiên số hóa các hoạt động doanh nghiệp như vậy thì sẽ có những hiệu ứng lan truyền. Và như thế, những lợi ích của chuyển đổi số sẽ được nhìn nhận một cách rất thực tế, doanh nghiệp sẽ làm theo”- Nhật chia sẻ.

CEO Ami cũng nhìn nhận, câu chuyện chuyển đổi số cũng tương tự như chuyện phát triển xe ôm công nghệ của Grab và Uber trước kia. Những người trẻ thường xuyên sử dụng smartphone chính là những khách hàng đầu tiên của dịch vụ này. Sau đó, dịch vụ xe ôm công nghệ này mới lan truyền đến đông đảo người dân trong xã hội và có nhiều đối tượng sử dụng hơn.

Theo Th.s Đào Trung Thành, chuyên gia về chuyển đổi số, thống kê mới đây của hãng tư vấn Capgemini công bố, có đến 90% CEO trên thế giới tin rằng, chuyển đổi số sẽ có ảnh hưởng đến lĩnh vực mà họ đang cung cấp. Nhưng chỉ có 15% doanh nhân thật sự thực hiện chuyển đổi số.

“Truyền thông, viễn thông, tài chính, bán lẻ và công nghệ là những lĩnh vực sẽ chịu tác động nhiều nhất trong môi trường số hóa. Vì thế, tùy theo những lĩnh vực mà doanh nghiệp sẽ phải có những đánh giá hiện trạng và vạch ra những chiến lược số hóa doanh nghiệp phù hợp với mình. Vì hiện nay, vấn đề không còn là công nghệ khi đã có rất nhiều nền tảng và công cụ để làm. Vấn đề là chiến lược thực hiện của doanh nghiệp đi theo lộ trình nào mà thôi”- Th.s Thành phân tích.

Theo GS.TS Hồ Tú Bảo, Viện trưởng Viện John Von Neumann, ĐH Quốc gia TP.HCM, nhận thức của doanh nghiệp trong nước hiện nay còn chưa đầy đủ về chuyển đổi số. Doanh nghiệp chưa thật sự thấy được tầm quant trọng của vấn đề này.

“Vì vậy cần phải thúc đẩy việc đào tạo nhân lực cho lĩnh vực này và ra những văn bản pháp lý cụ thể, tạo hành lang thuận lợi cho việc xây dựng nền kinh tế số từ chính quyền, doanh nghiệp và cả người dân”- GS Bảo nhấn mạnh.

Chuyển đổi số (Digital Transfomation) nghĩa là các thay đổi do áp dụng công nghệ kỹ thuật số vào mọi mặt của đời sống xã hội. Trong bối cảnh kinh doanh của doanh nghiệp, có thể hiểu đó là sự ứng dụng công nghệ số vào làm thay đổi các hoạt động của doanh nghiệp từ quy trình sản xuất và kinh doanh, quản trị doanh nghiệp, nguồn doanh thu, tương tác với khách hàng,…

Theo PGS.TS Nguyễn Anh Thi, Giám đốc Khu công nghệ phần mềm, ĐH Quốc gia TP.HCM, chuyển đổi số trong doanh nghiệp gồm hai môi trường hiện hữu và môi trường trên nền tảng số. Hai môi trường này sẽ có sự bổ trợ cho nhau để giúp doanh nghiệp hoạt động tốt hơn. Có thể nói chuyển đổi số là yêu cầu tất yếu của bất cứ doanh nghiệp nào trong thời đại bùng nổ công nghệ hiện nay.

Hà Thế An

Chuỗi QTSC

Thành viên QTSC