
(Thanhuytphcm.vn) - Cuộc kháng chiến chống ngoại xâm dưới sự lãnh đạo của Đảng thực sự là một cuộc chiến tranh nhân dân. Hoạt động ngay tại trung tâm sào huyệt của các thế lực thù địch, Đảng bộ Thành phố phải đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách. Đó không chỉ là một cuộc thi gan dai dẳng, ác liệt mà còn là cuộc đọ sức về mưu trí, sáng tạo của từng tập thể cấp ủy, từng cán bộ, đảng viên để tồn tại trong lòng dân và phát huy vai trò lãnh đạo. Đảng bộ không thể hoạt động nếu không có sự che chở, đùm bọc của Nhân dân. Trong những lúc khó khăn, chính lòng yêu nước của Nhân dân đã giúp Thành ủy bám trụ, kịp thời được củng cố và phát triển, ghi dấu ấn đậm nét trong những thời khắc lịch sử cùng cả nước.
Đó là việc xây dựng thế trận lòng dân, phối hợp phong trào đấu tranh của công nhân, học sinh, sinh viên, các tầng lớp nhân dân đô thị và phong trào đấu tranh của nông dân ở vành đai và các tỉnh miền Nam, phối hợp giữa quân dân thành phố với quân chủ lực, tiến công địch liên tục về chính trị, vũ trang, binh vận, góp phần quan trọng vào công cuộc giải phóng miền Nam, giải phóng Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định với cơ sở vật chất gần như còn nguyên vẹn trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Chính hành động yêu nước của nhân dân tạo ra khí thế cách mạng trên các đường phố, có sức mạnh to lớn. Đây là cái quý nhất của phong trào quần chúng Sài Gòn - Gia Định, và đây cũng là kết quả công tác tuyên truyền giáo dục, tổ chức và rèn luyện trong đấu tranh qua nhiều năm của Đảng bộ Thành phố[1].
10 năm đầu sau giải phóng, Thành phố phải đương đầu với biết bao khó khăn chồng chất. Dấu ấn quan trọng được khẳng định của thời kỳ này là năng lực vượt khó, tiên phong mở điểm đột phá thử nghiệm đổi mới cơ chế, chính sách kinh tế, sáng tạo ra những phong trào lớn, những cuộc vận động xóa đói giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa…, giữ được thành quả cách mạng và tạo đà cho phát triển trong điều kiện bị bao vây cấm vận, chiến tranh biên giới ở hai đầu đất nước và những rào cản của cơ chế quan liêu bao cấp không còn phù hợp.
Trong khó khăn, Đảng bộ, chính quyền TPHCM đã tìm mọi cách để ổn định cuộc sống, lo cho người dân không bị thiếu đói, đảm bảo điện, nước và các nhu cầu thiết yếu, đảm bảo việc học hành và chữa bệnh cho nhân dân... Trước tình cảnh người dân Thành phố phải ăn độn khoai sắn, bo bo, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Võ Văn Kiệt, Mai Chí Thọ lúc bấy giờ phải lo việc “chạy gạo”, tìm cách “xé rào” nhằm tháo gỡ những quy định không phù hợp về lưu thông phân phối để có gạo cho dân.
Thành tích “xé rào” trong sản xuất và phân phối lưu thông hàng hóa của TPHCM đã cho thấy sự năng động, sáng tạo, tinh thần “tự cứu mình trước khi trời cứu”. Từ chỗ thiếu gạo ăn, thiếu ngoại tệ mua nguyên liệu nước ngoài đến có gạo xuất khẩu, tổ chức được hoạt động ngoại thương, làm sống lại các cơ sở sản xuất và hình thành những mô hình làm ăn hiệu quả. Thực tiễn sinh động của TPHCM góp phần vào việc hình thành đường lối đổi mới của Đảng, và cũng là cơ sở cho sự ra đời các đạo luật thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo nên bước phát triển mới, đưa đất nước vượt qua khủng hoảng, nước nghèo kém phát triển, trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình.
Khi có đường lối đổi mới, TPHCM tăng tốc phát triển trên các lĩnh vực, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Các chỉ số phát triển về quy mô kinh tế, năng suất lao động, đóng góp cho ngân sách quốc gia của TPHCM đều ở mức cao. Diện mạo đô thị có nhiều khởi sắc. Đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người trong tốp dẫn đầu cả nước. TPHCM là nơi có nhiều mô hình trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng đô thị, kinh tế, tài chính, ngân hàng, nơi thực hiện xã hội hóa mạnh mẽ trên các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế, thể thao…, có nhiều bước tiến trong cải cách hành chính và chủ động đề xuất xây dựng mô hình chính quyền đô thị để việc quản lý phù hợp với đặc điểm và tính chất của đô thị đặc biệt.
Trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, TPHCM là địa phương chịu thử thách nặng nề nhất, nhưng Đảng bộ và nhân dân nơi tuyến đầu chống dịch đã tập trung mọi nỗ lực, cùng với sự chỉ đạo của Trung ương, sự hỗ trợ của đồng bào, chiến sĩ cả nước, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, tất cả đã đoàn kết cùng nhau đẩy lùi dịch bệnh, phục hồi kinh tế và nhanh chóng ổn định cuộc sống người dân.

Sự khốc liệt của đại dịch Covid-19 đã làm mất đi trên hai mươi nghìn người. Nhiều đau thương, mất mát nhưng nhiều giá trị tốt đẹp được nhân lên, đặc biệt là tinh thần làm việc xả thân để cứu lấy sinh mệnh đồng bào của các chiến sĩ nơi tuyến đầu chống dịch, là cách ứng xử đầy tình thương của hàng triệu con người qua những việc làm thiện nguyện…
Covid-19 tác động tiêu cực kinh tế TPHCM “tăng trưởng âm” trong năm 2021 (-5,36%), đó là điều chưa từng có và chưa thể hình dung, nhưng đã phục hồi trong những năm gần đây. Sự khởi sắc về kinh tế, trong đó lĩnh vực dịch vụ tăng trưởng với tỷ trọng cao, ngành du lịch phục hồi nhanh, kinh tế số tăng mạnh, năng suất lao động chuyển biến tích cực, kim ngạch xuất khẩu tăng, thu hút đầu tư nước ngoài dẫn đầu cả nước và kiều hối đạt khá cao.
Năm 2024, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt gần 7,2%, thu ngân sách đạt trên 505.000 tỷ đồng (chiếm khoảng 27% tổng thu ngân sách quốc gia). Văn hóa - xã hội tiếp tục phát triển, an ninh, quốc phòng được giữ vững, làm nền tảng cho sự phát triển bền vững. Thành phố đã triển khai xây dựng, hình thành Không gian văn hóa Hồ Chí Minh, bước đầu đã có trên 5.000 thiết chế Không gian văn hóa Hồ Chí Minh, tạo nên nhiều thay đổi tích cực trong các cơ quan, đơn vị, trường học và các tầng lớp nhân dân.
Từ thu nhập bình quân đầu người 65 USD năm 1975, đến cuối năm 2024 GRDP bình quân đầu người đạt 7.758 USD. Từ tỷ lệ hộ nghèo 1986 là 60%, đến nay đã cơ bản hoàn thành việc xóa nghèo theo chuẩn đa chiều và chuẩn nghèo về thu nhập của TPHCM luôn được nâng lên. Một trong chỉ tiêu dự kiến cho nhiệm kỳ mới, phấn đấu đến năm 2030, bình quân thu nhập đầu người của TPHCM đạt khoảng 13.000 - 14.000 USD, thuộc nhóm đứng đầu cả nước và vượt qua ngưỡng thu nhập cao.
Gắn bó mật thiết với nhân dân là một trong những nguyên tắc tổ chức hoạt động của Đảng. Sự phát triển của TPHCM cho thấy Đảng bộ TPHCM luôn thể hiện sự gắn bó mật thiết với nhân dân, luôn tìm mọi cách để phát huy nguồn lực nhân dân. Thông qua các chủ trương, chính sách đúng đắn, sát thực tiễn, hợp lòng dân, thông qua hệ thống chính trị nhằm phát huy quyền làm chủ và khối đại đoàn kết toàn dân. Quá trình phát triển, Đảng bộ luôn quan tâm chăm lo đời sống mọi mặt của nhân dân, quan tâm nắm bắt tâm tư nguyện vọng và giải quyết bức xúc của nhân dân.
Trong quá trình phát triển, Thành phố luôn quan tâm nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh. Trong đó, công tác tuyên giáo đã tham mưu quán triệt các nghị quyết, các chuyên đề, chủ động nắm bắt tình hình tư tưởng của đảng viên và nhân dân trước những sự kiện lớn, tập trung chỉ đạo việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh… Công tác dân vận của Đảng, dân vận chính quyền coi trọng việc tiếp xúc, đối thoại, lắng nghe ý kiến góp ý, tạo sự đồng thuận của người dân, nhất là trong công tác chỉnh trang đô thị, hiến đất mở hẻm, mở đường, thi công các công trình và giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện triển khai nhanh các dự án đầu tư công.
Các cấp chính quyền đã có bước chuyển trong thực hiện phân cấp, ủy quyền, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, phục vụ người dân và doanh nghiệp. Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội đã tăng cường hoạt động giám sát, phản biện xã hội trong điều kiện thực hiện mô hình chính quyền đô thị, không tổ chức Hội đồng nhân dân ở cấp quận và cấp phường.
Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM đã ban hành Chỉ thị 13-CT/TU ngày 20/8/2021 “Về lãnh đạo thực hiện Đề án nâng cao vai trò của Mặt trận Tổ quốc và Nhân dân giám sát tổ chức đảng, đảng viên và hoạt động chính quyền các cấp TPHCM giai đoạn 2021 – 2030” (Đề án số 06-ĐA/TU của Ban Thường vụ Thành uỷ, ngày 20/8/2021). Nội dung giám sát tập trung việc lãnh đạo thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; việc rèn luyện, tu dưỡng đạo đức lối sống; trách nhiệm nêu gương, trách nhiệm thực thi công vụ, tham gia sinh hoạt chi bộ nơi công tác và nơi cư trú.

Theo Đề án 06, đối tượng giám sát về tổ chức là Ban Thường vụ cấp ủy, Ủy ban nhân dân cấp dưới (giai đoạn 2021 - 2025) và Ban Thường vụ cấp ủy, Ủy ban nhân dân cùng cấp (giai đoạn 2025 - 2030). Đối với các cơ quan tham mưu giúp việc của cấp ủy, cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cùng cấp. Về cá nhân, đối tượng giám sát là người đứng đầu cấp ủy, Ủy ban nhân dân cấp dưới giai đoạn 2021 - 2025, người đứng đầu cấp ủy, Ủy ban nhân dân cùng cấp giai đoạn 2025 - 2030, đồng thời mở rộng giám sát cán bộ chủ chốt, cán bộ, đảng viên.
Cùng với công tác kiểm tra, giám sát của Đảng được tăng cường nhằm chấn chỉnh kịp thời những vi phạm của cán bộ, đảng viên, tổ chức đảng, góp phần đảm bảo kỷ luật, kỷ cương. Qua đây tính nêu gương, tinh thần trách nhiệm, việc thực hiện các nguyên tắc của Đảng được nâng lên góp phần củng cố niềm tin của Nhân dân với Đảng.
Nhìn lại 50 năm qua, ở mỗi giai đoạn phát triển, TPHCM luôn coi trọng việc phát huy nguồn lực cho phát triển, có nguồn lực trong nước, nguồn lực của kiều bào, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao… Đảng bộ TPHCM đặc biệt quan tâm phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, giữ vững quốc phòng, an ninh, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường đầu tư phát triển và môi trường sống ngày càng tốt hơn cho người dân. Nhờ vậy, TPHCM đã giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế và hội nhập, luôn đứng đầu về tỷ trọng GDP, thu ngân sách, năng suất lao động… Vấn đề đặt ra đối với Đảng bộ và nhân dân TPHCM là phải nỗ lực phát huy những thành tựu đã đạt được, khắc phục nhanh những hạn chế, yếu kém, tháo gỡ nhanh những điểm nghẽn, phát huy sức sáng tạo, tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm nhiều hơn nữa, phát huy các nguồn lực của nhân dân tốt hơn nữa, tích cực phòng chống lãng phí, tham nhũng, tiêu cực.
Trong quá trình đấu tranh giành độc lập, xây dựng và phát triển đất nước, Đảng bộ Sài Gòn - TPHCM đã luôn phát huy truyền thống gắn bó mật thiết với nhân dân, đã chiến đấu kiên cường, năng động, sáng tạo, dám đi đầu, chấp nhận thử thách, luôn cố gắng với sứ mệnh vinh quang “vì cả nước, cùng cả nước”. Hiện nay, Đảng bộ và nhân dân TPHCM đang phấn đấu thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng bộ TPHCM và Nghị quyết XIII của Đảng, sẽ cố gắng hoàn thành các chỉ tiêu chủ yếu của nhiệm kỳ (trong đó có tốc độ tăng trưởng GRDP đạt trên 10%, thu nhập bình quân đầu người đạt 8.500 USD vào năm 2025). TPHCM sẽ thực hiện tốt chủ đề năm 2025: Tập trung sắp xếp tổ chức bộ máy tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh chuyển đổi số; triển khai Nghị quyết 98 của Quốc hội; giải quyết cơ bản những vướng mắc tồn đọng của thành phố..
Trách nhiệm lớn của đầu tàu kinh tế - nơi hội tụ tinh hoa, năng động, sáng tạo, giàu nguồn lực và thấm đẫm nghĩa khí, nghĩa tình… nhất định Đảng bộ TPHCM sẽ phát huy truyền thống gắn bó mật thiết với nhân dân, phát huy dân chủ, huy động mọi nguồn lực; phối hợp có hiệu quả với các bộ, ban, ngành Trung ương và các địa phương trong vùng; đóng góp xứng đáng trong kiến tạo mô hình, giải pháp hiệu quả; sẽ phải phát triển theo hướng chuyển đổi số, tăng trưởng xanh trong sự phát triển của một siêu đô thị - đô thị sinh thái, thông minh… làm nên kỳ tích trong kỷ nguyên phát triển mới của dân tộc, hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Với tất cả sự cố gắng, TPHCM sẽ tập trung triển khai, thực hiện có kết quả Nghị quyết 31, Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị, quyết tâm thực hiện Nghị quyết 131 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM, Nghị quyết 98 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù… Tích cực triển khai các chương trình, công trình, dự án tiêu biểu cấp Thành phố, chào mừng ngày Lễ trọng đại - Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Phạm Phương Thảo
Nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch Hội đồng nhân dân TPHCM
__________________
[1] Đại tướng Văn Tiến Dũng, Đại thắng mùa Xuân 1975, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 1976, tr. 298.