Bác sĩ Nguyễn Văn Hảo tư vấn chủ đề số 5: “Lá chắn nào cho trẻ em trong đại dịch Covid-19”

Chiều 28/10/2021, Tiến sĩ bác sĩ Nguyễn Văn Hảo đã chia sẻ chủ đề số 05 “Lá chắn nào cho trẻ em trong đại dịch Covid-19”. Đây là một chủ đề được rất nhiều phụ huynh học sinh quan tâm về vấn đề phòng tránh dịch bệnh Covid-19 cho trẻ em và đặc biệt trong giai đoạn TPHCM đang tiến hành chích ngừa cho trẻ em từ 12 - 18 tuổi.

Về các vấn đề liên quan đến trẻ bị F0 và cách phòng tránh

1. Thưa bác sĩ, hiện tôi rất lo lắng vì gia đình tôi có người mắc Covid-19 ở chung và tôi có con nhỏ 16 tháng tuổi. Xin bác sĩ tư vấn những triệu chứng trẻ có thể gặp khi mắc Covid-19 và cách bảo vệ bé khỏi sự lây nhiễm Covid-19 khi trong nhà có F0? Xin cám ơn bác sĩ

Thông thường những người sống chung trong cùng gia đình nếu có một người là F0 thì khả năng cao sẽ lây cho những người khác trong nhà. Đối với trường hợp em bé nhỏ, chưa có khả năng tự bảo vệ bản thân, cũng như còn quá nhỏ để tuân thủ việc đeo khẩu trang, do đó nguy cơ rất cao sẽ bị lây nhiễm Covid-19. Để phòng tránh việc này, nếu có điều kiện các bạn cần cách ly hẳn người bị F0, không cho em bé tiếp xúc.

Về những triệu chứng mà bé có thể gặp khi bị nhiễm Covid-19 là sốt, đau họng, nghẹt mũi, sổ mũi, ho,… hoặc  một số ít trẻ có thể bị đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn, nôn ói,… Tuy nhiên những biểu hiện này không có nghĩa là bé bị nặng. Biểu hiện nặng là bệnh lý viêm đa hệ thống có triệu chứng sốt cao liên tục và kéo dài, xét nghiệm cơ viêm tăng rất cao, trẻ có các biểu hiện tổn thương cơ quan, ví dụ như tim, thận, gan,… Nếu có biểu hiện sốt cao kéo dài 2-3 ngày phải đến bệnh viện, không tự cách ly tại nhà để có thể được làm các xét nghiệm chuyên môn đánh giá tình trạng bệnh kịp thời

2. Xin bác sĩ cung cấp thêm một số thông tin về tốc độ hồi phục của trẻ khi mắc Covid-19 và nguy cơ nhiễm bệnh, cũng như nguy cơ lây nhiễm Covid-19 cho người khác của trẻ em?

Đối với trẻ em thì cũng có những đặc điểm giống như người lớn về nguy cơ nhiễm bệnh, nguy cơ lây cho người khác.

Khi trẻ bị nhiễm bệnh đa số không có triệu chứng và có biểu hiện nhẹ. Sau khi uống thuốc như paracetamol thì sẽ tự khỏi bệnh. Bệnh thông thường sẽ kéo dài trong 7 ngày. Tuy nhiên, để chắc chắn trẻ không còn vi rút trong cơ thể thì sau khoảng 7-10 ngày mới có thể công nhận kết quả xét nghiệm âm tính. Nhìn chung đa số trẻ em dù sức đề kháng kém, nhưng lại có khả năng miễn dịch rất tốt. Đặc biệt trẻ em không cần phải sử dụng các loại thuốc ức chế miễn dịch, thuốc kháng vi rút (không dành cho trẻ em), chỉ cần dùng thuốc điều trị triệu chứng, bổ sung vitamin, thuốc hỗ trợ,… Giống như những trường hợp Covid-19 khác, sau khi khỏi bệnh 14 ngày trẻ sẽ giảm hoặc hầu như không còn khả năng lây nhiễm cho người khác.

3. Khả năng ảnh hưởng của virus khi trẻ em bị nhiễm là như thế nào? Khả năng ảnh hưởng nghiêm trọng là bao nhiêu phần trăm?

Khả năng trẻ em bị nhiễm virus đa số là nhẹ và không có triệu chứng nặng. Biểu hiệm nghiêm trọng nhất của trẻ em khi nhiễm virus là hội chứng tổn thương viêm đa cơ quan. Tỷ lệ này ở Hoa Kỳ là 5.000 ca trên vài triệu trẻ bị nhiễm, xác xuất không cao. Trong đó chỉ có 40 ca tử vong trong tổng số 5.000 ca triệu chứng nặng đó.

4. Em bé từ 0-5 tuổi gặp nguy cơ như thế nào với dịch bệnh?

Trẻ từ 06 tháng – 3 tuổi kháng thể từ mẹ truyền sang em bé đã hết, giai đoạn này thường mắc bệnh viêm đường hô hấp trên, đặc biệt là những bé đi nhà trẻ, rất dễ lây nhiễm. Từ 06 tháng – 3 tuổi, trẻ sẽ tự hình thành kháng thể. Khi trẻ trong lứa tuổi này, trẻ mắc Covid-19 thường cũng có triệu chứng như cảm cúm như sốt, ho, sổ mũi và uống thuốc trị các triệu chứng này sẽ tự hết, cơ thể trẻ tự sản xuất ra kháng thể để bảo vệ trẻ không bị nhiễm lại nữa. Không sử dụng thuốc kháng sinh và đặc biệt là không cho trẻ uống thuốc ức chế ho, không tốt cho trẻ em. Chỉ dùng kháng sinh khi bị nhiễm khuẩn, bội nhiễm hoặc có dấu hiệu viêm đường hô hấp dưới, nếu xuất hiện những triệu chứng này thì nên cho đi khám và uống thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ.

5. Khi trẻ bị F0 mà ba mẹ chưa bị mắc, thì có cần cách ly không, cách chăm sóc như nào? Chế độ ăn uống cho trẻ khi bị nhiễm Covid-19?

Cha mẹ không thể cách ly khỏi trẻ, vẫn cần phải được cha mẹ chăm sóc và giữ nguyên tắc 5K. Cố gắng giữ bản thân có sức khỏe tốt để phòng tránh lây nhiễm và chăm sóc trẻ tốt. Về chế độ ăn uống, phải cho trẻ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng gồm chất đạm, chất béo, vitamin,… theo nhu cầu lứa tuổi của trẻ, không nên kiêng cữ loại thức ăn nào.

 Bác sĩ Nguyễn Văn Hảo đang trả lời câu hỏi do khách tham dự đặt trong khung chat

Bác sĩ Nguyễn Văn Hảo đang trả lời câu hỏi do khách tham dự đặt trong khung chat

Các vấn đề tiêm vắc xin cho trẻ em

6. Trong những ngày gần đây, trên mạng lan truyền thông tin tiêm vắc-xin Covid-19 cho trẻ em có thể dẫn đến tình trạng viêm cơ tim, đặc biệt đối với các bé trai. Xin bác sĩ cho biết tính xác thực của thông tin này ạ?

Đối với loại vắc-xin có thể gây tình trạng viêm cơ tim là Moderna và Pfizer. Pfizer là loại vắc-xin được sản xuất từ yếu tố di truyền của con vi rút và theo báo cáo có một tỷ lệ nhất định ở một vài trường hợp, đặc biệt là những người trẻ là bị viêm cơ tim.

Viêm cơ tim là một biểu hiện bệnh nặng. Khi bị bệnh, cơ tim sẽ bị tổn thương, tim không bóp được làm ảnh hưởng đến chức năng, gây suy tim cấp, có thể gây loạn nhịp tim,… người bệnh có thể tử vong. Tuy nhiên, theo các báo cáo tỷ lệ biến chứng viêm cơ tim của Pfizer rất thấp, khoảng vài phần triệu, tức là chỉ vài trường hợp trên một triệu ca. Với tỷ lệ thấp như trên so với lợi ích của việc tiêm vắc-xin đem lại cho trẻ em thì khuyến cáo vẫn nên tiêm vắc-xin cho trẻ. Đối với bất kỳ vắc-xin nào cũng vậy, thường có một tỷ lệ nhất định các tác dụng phụ, khả năng tai biến.

Về việc sốc phản vệ thì tùy thuộc vào cơ địa của mỗi người. Đối với những trường hợp có tiền sử dị ứng thì bất cứ loại vắc-xin nào, khi có chất lạ được đưa vào cơ thể sẽ có phản ứng là sốc phản vệ. Sốc phản vệ có thể gây tử vong rất nhanh, trong vòng vài giờ đồng hồ, do đó tại các cơ sở y tế luôn chuẩn bị sẵn các loại thuốc để phòng ngừa vấn đề sốc phản vệ. Vì vậy người đi tiêm phải khai báo y tế trước khi tiêm phòng, nhất là các trường hợp có tiền sử dị ứng.

7. Thưa bác sĩ có nên tiêm vắc xin cho trẻ 6 tuổi không? Xin bác sĩ tư vấn, em nghe nói tiêm vắc xin sẽ ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của bé trai sau này?

Hiện tại, tôi chưa nghe nói có bằng chứng khoa học nào về việc tiêm vắc xin ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của trẻ.

Tại Việt Nam đang có chính sách tiêm vắc xin Pfizer cho trẻ từ 12 - 18 tuổi. Còn lứa tuổi 5 – 11 thì chưa có chính sách tiêm. Tuy nhiên, Hoa Kỳ đang nghiên cứu cho đối tượng trẻ em từ 5 - 11 tuổi, nếu Bộ Y tế Việt Nam công nhận thì sẽ triển khai cho lứa tuổi này.

Theo tôi, nên tiêm cho trẻ lứa tuổi này, vì các em còn nhỏ, chưa có ý thức giữ vệ sinh và 5K như người lớn. Trẻ muốn học tập trung tại trường cần được tiêm chủng để giữ an toàn.

8. Xin bác sĩ cho biết những phản ứng phụ nào trẻ em có thể gặp phải sau khi tiêm vắc-xin Covid-19 và những loại thuốc nào có thể sử dụng, cũng như thời gian uống và liều lượng như thế nào để giảm tác dụng phụ sau khi tiêm vắc-xin cho trẻ?

Không có khuyến cáo thuốc nào uống phòng ngừa trước khi tiêm vắc-xin. Đối với những tác dụng phụ sau khi tiêm vắc-xin, các em có thể bị sốt, sưng đau nhức chỗ tiêm, có thể cho các em uống các thuốc điều trị triệu chứng như paracetamol, chườm ấm cho thuốc mau tan.

9. Thưa bác sĩ, trẻ 9 tuổi từng bị nhiễm Covid-19 thì có cần tiêm ngừa vắc xin lại không?

Nếu trẻ đã tửng bị nhiễm bệnh thì cũng như người lớn, em bé đó đã có kháng thể bảo vệ đường hô hấp dưới và đường hô hấp trên. Em bé đó cũng không cần tiêm vắc xin trong vòng 6 tháng.

10. Bác sĩ cho em hỏi, trẻ dưới 12 tuổi chưa được tiêm vắc xin thì tiêm vắc xin cúm hàng năm có bảo vệ được không ạ? Tiêm vắc xin cúm có kèm thêm vắc xin nào không?

Vắc xin Covid-19 chỉ bảo vệ trẻ khi bị nhiễm Covid-19 thôi. Mỗi loại vắc xin cũng chỉ có tác dụng với 1 chủng loại virus cụ thể thôi. Dù có dịch bệnh, cha mẹ cần cho trẻ em tiêm vắc xin đầy đủ theo lứa tuổi.

16g00 đến 17g00, Thứ sáu ngày 05/11/2021 với chủ đề “Covid-19 và các đối tượng có nguy cơ cao”

Dự kiến, buổi tư vấn trực tuyến tiếp theo của TS.BS Nguyễn Văn Hảo sẽ được tổ chức từ 16g00 đến 17g00, Thứ sáu ngày 05/11/2021 với chủ đề “Covid-19 và các đối tượng có nguy cơ cao”. Quý vị vui lòng đăng ký tham dự và đặt câu hỏi cho bác sĩ tại đây: https://forms.gle/wx4pT97wTzmxVhS37 (Link tham dự trực tuyến sẽ được thông báo ngay sau khi đăng ký thành công)

  1. Xem thêm thông tin về Buổi tư vấn định kỳ lần 1: https://www.qtsc.com.vn/tin-tuc/chuong-trinh-tu-van-truc-tuyen-voi-ts-bs-nguyen-van-hao-ve-covid-19 
  2. Xem thêm thông tin về Buổi tư vấn định kỳ lần 2: https://www.qtsc.com.vn/tin-tuc/chuong-trinh-tu-van-truc-tuyen-dinh-ky-cua-tsbs-nguyen-van-hao-ve-xet-nghiem-covid-19-va-nhung-van-de-thuong-gap 
  3. Xem thêm thông tin về Buổi tư vấn định kỳ lần 3: https://www.qtsc.com.vn/tin-tuc/buoi-tu-van-thu-3-voi-bac-si-nguyen-van-hao-ung-xu-can-thiet-khi-phat-hien-f0-trong-doanh-nghiep-va-gia-dinh 
  4. Xem thêm thông tin về Buổi tư vấn định kỳ lần 4: https://www.qtsc.com.vn/tin-tuc/buoi-tu-van-thu-4-dieu-tri-covid-19-tai-nha-nhung-dieu-can-biet-doi-voi-nguoi-than-va-vat-nuoi 
Xem thêm tin tức:

Chuỗi QTSC

Thành viên QTSC