Hội thảo “Phát triển phẩm chất năng lực cho học sinh thông qua hoạt động trải nghiệm giáo dục STEM và ứng dụng công nghệ 4.0”

Sáng 04/12/2021 đã diễn ra buổi hội thảo trực tuyến:Phát triển phẩm chất năng lực cho học sinh thông qua hoạt động trải nghiệm giáo dục STEM và ứng dụng công nghệ 4.0” trên nền tảng trực tuyến. Chương trình do Sở Giáo dục & Đào tạo TP.HCM (Sở GDĐT), Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM, QTSC phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ và Tư vấn Chuyển đổi số Thành phố Hồ Chí Minh (DXCenter) và STEAMZONE đồng tổ chức dưới sự tài trợ của Lenovo và Microsoft. Chương trình diễn ra trực tuyến trên nền tảng webex và được phát sóng trực tiếp trên fanpage của DXCenter và QTSC.

Giáo dục STEM sự kết hợp của 4 môn: Khoa Học (Science), Công Nghệ (Technology), Kỹ Thuật (Engineering) và Toán Học (Math), được kỳ vọng có thể phá vỡ khoảng cách giữa kiến thức trong sách vở và thực thực tiễn, mang lại đột phá trong giáo dục và giúp các em tiếp cận sớm với giáo dục 4.0.

Trong văn bản số 3089/BGDDT-GDTrH ngày 14 tháng 8 năm 2020 của Bộ GDĐT về việc triển khai thực hiện giáo dục STEM trong giáo dục trung học đã chỉ rõ: “Giáo dục STEM là một phương thức giáo dục nhằm trang bị cho học sinh những kiến thức khoa học gắn liền với các ứng dụng trong thực tiễn.”

Thầy Lê Duy Tân - Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở GDĐT TP.HCM cho biết: Giáo dục STEM với nhiệm vụ cung cấp các kiến thức và kỹ năng liên môn, liên ngành. Do vậy, giáo dục STEM/STEAM thật sự cần thiết cho học sinh thành phố nhất là trong bối cảnh giáo dục Việt Nam đang triển khai Chương trình Giáo dục Phổ thông 2018 (định hướng tiếp cận phẩm chất, năng lực), thành phố định hướng Giáo dục thông minh và nhất là các cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn thành phố đang hướng đến dạy học nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo cho học sinh.

STEM gắn với việc giải quyết tương đối trọn vẹn một vấn đề, trong đó học sinh được tổ chức tham gia học tập một cách tích cực, chủ động và biết vận dụng kiến thức vừa học để giải quyết vấn đề đặt ra; thông qua đó góp phần hình thành phẩm chất năng lực cho học sinh. Tùy thuộc vào đặc thù từng môn học và điều kiện cơ sở vật chất, các trường có thể áp dụng linh hoạt các hình thức tổ chức giáo dục. Điều quan trọng nhất là giáo viên, người hướng dẫn cần làm tốt vai trò gợi mở, hướng dẫn, phát huy được tối đa sự sáng tạo ở học sinh là cách làm đúng đắn nhất và sẽ mang lại hiệu quả cao nhất.

Tại hội thảo, TS. Nguyễn Thanh Hải - Chuyên gia về giáo dục STEM, Viện nghiên cứu giáo dục STEM, Đại học Missouri (Mỹ) đã có bài giới thiệu tổng quan về “Giáo dục STEM/STEAM”

 Hình 1: T.S Nguyễn Thanh Hải đang “Giới thiệu Giáo dục STEM/STEAM”

Hình 1: T.S Nguyễn Thanh Hải đang “Giới thiệu Giáo dục STEM/STEAM”

Theo T.S Nguyễn Thanh Hải thì Hoa Kỳ đã chọn ngày 8/11 hàng năm là ngày STEM/STEAM. Có thể khẳng định Hoa Kỳ là quốc gia khởi nguồn và rất coi trọng giáo dục STEM. Giáo dục STEM/STEAM đã được đưa xuống các cấp học từ mầm non đến đại học. Trong đó các môn học luôn khuyến khích sự sáng tạo và là sự tích hợp nhiều bộ môn lại với nhau. Tạo cho học sinh môi trường học tập thực tế, sống động và có cơ hội trải nghiệm thực hành, có tư duy logic và đặc biệt có đam mê.

Tiến sĩ Hải cũng nhấn mạnh trong tương lai khoa học công nghệ thay đổi rất nhanh, chúng ta phải chuẩn bị cho con em chúng ta rất nhiều ngay từ bây giờ và trong tương lai 50 năm nữa. Giáo dục STEAM/STEM chính là nhịp cầu giúp các em học sinh chuẩn bị những kỹ năng, kiến thức để thích ứng cũng như theo kịp sự phát triển của xã hội.

Tiếp nối chương trình, ông Hung Chuan Khoo - Giám Đốc Cấp Cao mảng Chuyển đổi số & Phát Triển Giáo Dục, khu vực Châu Á Thái Bình Dương đã có bài trình bày “Giải pháp giáo dục thông minh - Xu hướng mới của ngành”.

Theo ông Hung Chuan Khoo thì: 20 tháng trước, đại dịch Covid-19 lan rộng ra toàn cầu khiến cho 1,5 tỷ học sinh, 90% học sinh bị ảnh hưởng việc học. Bình thường mới không có nghĩa là quay trở lại các điều kiện bình thường cũ như năm 2019. Chúng ta cần một môi trường giảng dạy và học tập linh hoạt hơn. Chưa kể sự thay đổi đang đến với chúng ta với tốc độ nhanh nhất trong lịch sử loài người với công nghệ trí tuệ nhân tạo AI, 5G, IoT, Blockchain. Điều đó có nghĩa, con cái của chúng ta có thể tiếp nhận một sự thay đổi lớn hơn cứ sau 10 -15 năm của cuộc đời chúng. Tương lai nghề nghiệp của chúng cũng sẽ thay đổi. Những tiến bộ trong công nghệ tự động hóa và AI sẽ ảnh hưởng đến các công việc trong hầu hết các nhóm nghề nghiệp trong tương lai. 65% học sinh trong lớp sẽ thực hiện các công việc chưa được phát minh ra. Những nghề nghiệp phát triển nhanh nhất sẽ yêu cầu các kỹ năng nhận thức cấp cao hơn trong các lĩnh vực như hợp tác, giao tiếp, giải quyết vấn đề, tư duy phản biện và sáng tạo. Kỹ năng hợp tác trở nên quan trọng hơn bao giờ hết khi thế giới chuyển sang kỹ thuật số.

 Hình 2: ông Hung Chuan Khoo - Giám Đốc Cấp Cao mảng Chuyển đổi số & Phát Triển Giáo Dục, khu vực Châu Á Thái Bình Dương

Hình 2: ông Hung Chuan Khoo - Giám Đốc Cấp Cao mảng Chuyển đổi số & Phát Triển Giáo Dục, khu vực Châu Á Thái Bình Dương

Để trao quyền cho thế hệ mới, thế hệ số - học sinh và giáo viên, Lenovo đang tạo ra các giải pháp giáo dục thông minh, nhằm chuyển đổi môi trường học tập hiện tại. Tại Lenovo đang phát triển nhiều giải pháp lớp học thông minh để đáp ứng nhu cầu trong hiện tại cũng như trong tương lai. Lenovo quyết tâm trở thành đối tác đáng tin cậy trong hành trình chuyển đổi.   

Sau hai bài trình bày của diễn giả, rất nhiều câu hỏi của khách tham dự gửi cho các diễn giả tham gia tọa đàm bằng email và tại khung chat của chương trình.

Ông Hà Duy Bình - Giám đốc Công ty TNHH Giáo dục STEM và Phát triển kỹ năng 4C, Chuyên gia nghiên cứu công nghệ giáo dục trả lời câu hỏi về tài liệu, học liệu của giáo viên. Theo ông Bình thì Việt Nam đã bắt đầu tiệm cận với cách làm tiên tiến của thế giới. Các giáo viên đang được đào tạo 9 modul gắn liền với STEAM rất nhiều. Bộ GDĐT và Sở GDĐT TP.HCM cũng đang xây dựng khung STEM, xây dựng các thư viện cho giáo dục STEAM cho các giáo viên giúp các giáo viên được tập huấn, đào tạo về phương pháp dạy STEM.

Về vấn đề này, tiến sĩ Hải cũng cho biết thêm: trên thế giới có nhiều tài liệu để giáo viên tham khảo. Giáo viên có rất nhiều công cụ, những công cụ này thì được các tổ chức xắp xếp theo từng cấp độ. Các thầy cô tham khảo bản video demo theo từng chủ đề mà các thầy cô quan tâm.

 Hình 3: Ông Hà Duy Bình đang chia sẻ kinh nghiệm tự làm các học liệu trong giáo dục STEM với chi phí rẻ

Hình 3: Ông Hà Duy Bình đang chia sẻ kinh nghiệm tự làm các học liệu trong giáo dục STEM với chi phí rẻ

Bà Trần Thị Kim Thanh - Phó trưởng phòng Phòng Giáo dục thường xuyên, Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM bổ sung thêm: STEM là phương thức giáo dục tích hợp hỗ trợ phát triển năng lực của học sinh một cách toàn diện, từ đó giúp các em đánh giá được năng lực bản thân từ đó đưa ra định hướng tương lai của mình chính xác này. Tuy nhiên, trước đây Bộ GDĐT mới đưa ra khung chương trình, vì vậy các giáo viên thường phải tự sáng tạo. Các giáo viên thường được đào tạo đơn môn và giáo dục STEM thường là đa môn, liên môn.

Mặc dù STEM đã được triển khai từ nhiều năm qua, giáo viên và các nhà trường đã có một số kinh nghiệm, tham dự nhiều hội thảo trao đổi kinh nghiệm nhưng chưa thật sự có một chương trình bồi dưỡng nào tiếp cận được một cách phù hợp đặc thù từng môn học và điều kiện cơ sở vật chất, các trường có thể áp dụng linh hoạt các hình thức tổ chức giáo dục STEM để giúp giáo viên thực hiện hiệu quả. Vì vậy, nên có sự tham gia của các tổ chức, các chuyên gia nghiên cứu sâu thêm và đưa ra cách hỗ trợ phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh dạy học hiện nay của giáo viên.

Theo tôi “Khó khăn lớn nhất hiện nay đối với giáo dục STEM nói riêng cũng chính là khó khăn chung của Ngành giáo dục đó là phải tiến hành các hoạt động dạy học, giáo dục trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 còn đang diễn biến phức tạp, khó lường; các phương thức tổ chức dạy học của ngành còn đang ở thế bị động và thay đổi liên tục nhất là đối với các nội dung có nhiều hoạt động thực hành, nghiên cứu, khảo sát thực tiễn, xây dựng mô hình, tổ chức thực nghiệm, …” thầy Tân cho biết thêm

Liên quan đến công nghệ học tập, ông Nguyễn Văn Giáp, Giám đốc quốc gia Lenovo cho biết Lenovo là nhà cung cấp những giải pháp cho học sinh vừa học online vừa tham gia học STEM được. Lenovo đã làm việc chặt chẽ với Microsoft và Google có những giải pháp từ phần cứng đến phần mềm để đáp ứng cho các trường học. Riêng tại Việt Nam, Lenovo đang tham gia chương trình “Sóng và máy tính cho em”, Lenovo đang tham gia với tư cách nhà cung cấp về thiết bị các dòng máy tính bảng, máy tính cho học sinh trong thời gian giãn cách này.

Hình 4: Thầy Lê Duy Tân - Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở GDĐT TP.HCM đang trả lời câu hỏi của khách tham dự hội thảo

Hình 4: Thầy Lê Duy Tân - Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở GDĐT TP.HCM đang trả lời câu hỏi của khách tham dự hội thảo

Kết thúc chương trinh, khách tham dự đã được tham gia minigame, 10 phần quà dễ thương từ ban tổ chức sẽ được trao cho 10 người chơi có thứ hạng cao nhất. Ban tổ chức sẽ liên lạc để gửi những phần quà cho người chơi theo đường bưu điện.

Thông tin về các chuỗi hội thảo sẽ được liên tục cập nhật trên website của DXCenter: dxcenter.org.vn và QTSC: qtsc.com.vn

Xem lại phần livestream của hội thảo tại địa chỉ: https://fb.watch/9GycsYTv8F/ 

Xem thêm tin tức:

Chuỗi QTSC

Thành viên QTSC