Trong cách mạng công nghiệp 4.0, tốc độ sáng tạo mới quyết định thành công

(Forbes Vietnam) - Thiếu tốc độ, mọi sáng tạo trở nên lỗi nhịp trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0). Các công ty gia công phát triển phần mềm Việt Nam cần không gian để dịch chuyển lên mô hình giá trị cao hơn thay cho khái niệm “thuê ngoài”, cần một “thị trường mở ngay trong lòng nội địa” để có thể vững vàng dấn thân ra bên ngoài.

VIỆT NAM ĐÃ RẤT THÀNH CÔNG trong lĩnh vực gia công phát triển phần mềm, nhiều năm qua được quốc tế đánh giá là một điểm đến hàng đầu châu Á (Software Development Hub). Bước tiếp theo, cộng đồng doanh nghiệp trong lĩnh vực này kỳ vọng chung sức nâng tầm Việt Nam thành một trung tâm phát triển phần mềm và đổi mới sáng tạo của khu vực Đông Nam Á. Theo Báo cáo chỉ số GSLI của tổ chức AT Kearney 2019, Việt Nam xếp thứ 5 trên 50 quốc gia có nền tảng tốt về dịch vụ công nghệ thông tin. Những chỉ số này cho phép chúng ta hoàn toàn có thể lạc quan về một viễn cảnh Việt Nam trở thành điểm đến sáng tạo của khu vực.

Trong cách mạng công nghiệp 4.0, tốc độ sáng tạo mới quyết định thành công - ảnh 1

 Việt Nam nằm trong top 5 quốc gia có nền tảng tốt về dịch vụ công nghệ thông tin trên toàn cầu. 

Tuy nhiên, nếu phân tích sâu thêm về bốn tiêu chí xếp hạng GSLI, bao gồm: 1. mức độ hấp dẫn về tài chính (giá nhân công, dịch vụ …); 2. chất lượng nguồn nhân lực; 3. môi trường kinh doanh; và 4. chỉ số chuyển đổi số, chúng ta thấy vẫn còn rất nhiều vấn đề.

Thứ nhất, về chi phí nhân công, dù Việt Nam vẫn đang nằm trong danh sách quốc gia có chi phí thấp, nhưng đã không còn rẻ hơn so với một số nước thuộc khối Đông Âu cũ (ví dụ Ucraina, một quốc gia thuộc châu Âu với chỉ số chuyển đổi số cao hơn nhưng giá nhân công rẻ hơn). Chưa kể tỷ lệ nhảy việc tăng cao đang là vấn đề làm đau đầu của các nhà quản lý.

Thứ hai, chỉ số chuyển đổi số (dựa trên việc ứng dụng các công nghệ nền tảng: điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học biotech và công nghệ rô-bốt) của Việt Nam vẫn thuộc hàng thấp, đứng sau cả các quốc gia láng giềng trong khu vực ASEAN như Indonesia, Thái Lan và Philippines. Điều này chứng tỏ khả năng tạo ra giá trị sáng tạo còn chưa cao.

NỀN KINH TẾ NỀN TẢNG ĐÃ TẠO CƠ HỘI cho các nước đang phát triển bắt kịp các cường quốc thông qua việc tạo nên các giá trị gia tăng từ những nền tảng được những “gã khổng lồ” Google, Microsoft, Amazon… phát triển. Trong khi đó, các tập đoàn công nghệ Việt Nam đang loay hoay tự xây dựng nền tảng. Với khả năng tài chính có hạn, trong khi nền tảng công nghệ còn chưa bắt kịp thế giới, khả năng lặp lại những nền tảng hoặc giải pháp đã được phát minh và triển khai tại những quốc gia phát triển là rất cao.

Ngoài ra, việc tạo ra chuẩn mực mới, nền tảng mới trong công nghệ đòi hỏi một hệ sinh thái được nhiều tổ chức chấp nhận, điều này là vô cùng khó khăn đối với các công ty Việt Nam khi tầm ảnh hưởng công nghệ của họ còn khá hạn chế trên thị trường toàn cầu. Trong khi đó, thị trường nội địa lại khá bảo thủ và hướng ngoại, dẫn đến thành công tại sân nhà lại thuộc về các đại gia công nghệ toàn cầu.


"Điều tối kỵ trong sáng tạo là một doanh nghiệp hay quốc gia thay vì bằng năng lực kết nối, dựa vào những thành quả phát minh của nhân loại để tạo nên những sáng tạo mới thì lại loay hoay đi xây lại mọi thứ từ đầu"

Thứ ba, cho dù chúng ta đã có nhiều tiến bộ trong 20 năm gia công phát triển phần mềm, nhưng sự chậm chạp trong việc thay đổi mô hình cùng với tâm lý tự mãn với những thành tích đạt được đang là những rào cản lớn đối với sự phát triển của quốc gia. Sự tự mãn xuất phát từ nguồn nhân lực hiện ở trạng thái cung không đủ cầu dẫn đến tình trạng các kỹ sư phần mềm nhảy việc khi chưa đủ kinh nghiệm và kỹ năng nhưng được săn đón bởi các công ty quy mô nhỏ hoặc các công ty khởi nghiệp với mục tiêu duy nhất là thu hút vốn.

Đây là một mất mát lớn làm nản lòng các công ty phần mềm đầu tư nghiêm túc vào quy trình đào tạo và phát triển nguồn nhân lực. Điều này cũng đưa đến việc nguồn nhân lực dày dạn kinh nghiệm và kiến thức luôn thiếu hụt, khiến doanh nghiệp khó thể cung cấp những dịch vụ, công nghệ mới khi các dịch vụ, công nghệ này đòi hỏi phải có nguồn nhân lực chất lượng đủ cao.

Ngoài ra, sự chậm chạp trong việc thay đổi mô hình kinh doanh, cách tính giá thành… cũng là thách thức không nhỏ đối với các công ty gia công phần mềm. Theo nhận xét của AT Kearney, ngày nay việc quyết định thuê ngoài dịch vụ không chỉ dựa vào yếu tố nhân công rẻ. Các tiêu chí lựa chọn mới còn bao gồm: Chi phí (nhân lực, hạ tầng và các ưu đãi về thuế); mức độ sẵn sàng của nhân lực (kỹ năng, ngoại ngữ, mức độ sẵn sàng làm việc…); môi trường đầu tư, cơ sở hạ tầng quốc gia, việc thực thi luật bảo vệ sở hữu trí tuệ; khả năng chuyển đổi số.

Mô hình “cho thuê nhân lực” đang bộc lộ những khuyết điểm, theo Colin Grass - phó chủ tịch Nash Tech, từ “thuê ngoài” đang làm hạn chế tầm nhìn và sức sáng tạo của các công ty phần mềm Việt. Đây là thời điểm để Việt Nam nghĩ đến một mô hình dịch mới với giá trị cao hơn, sáng tạo hơn. Nếu chính phủ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận và cung cấp các sản phẩm, dịch vụ mới cho thị trường trong nước, sẽ giúp doanh nghiệp vững vàng hơn để dấn thân ra các thị trường ngoại.

ĐỐI VỚI TIẾN TRÌNH CHUYỂN ĐỔI SỐ VÀ CMCN 4.0, tốc độ là yếu tố quyết định. Trong cuộc CMCN lần thứ hai, mất 70 năm để 50% hộ gia đình Mỹ trang bị điện thoại để bàn, nhưng Apple chỉ cần 4 năm để làm công việc tương tự với sản phẩm iPod. Công nghệ mới, sản phẩm mới đang được đón nhận với tốc độ ngày một nhanh. Sáng tạo ngày nay có khả năng đem lại doanh thu trên phạm vi toàn cầu với tốc độ tính theo ngày, tháng.

Trong cách mạng công nghiệp 4.0, tốc độ sáng tạo mới quyết định thành công - ảnh 2

Khoảng thời gian (năm) để các công nghệ được áp dụng vào hơn 50% các gia đình Mỹ. 

Trong bài thuyết trình về kinh tế học Trump cho các lãnh đạo cấp cao tập đoàn Hitachi tại San Diego năm 2018, kinh tế gia Steven Moore, thành viên ban tư vấn kinh tế của tổng thống Donald Trump chỉ ra rằng tốc độ là yếu tố quyết định trong chiến lược đổi mới sáng tạo nhằm “Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại”. Việt Nam, muốn trở thành một điểm đến sáng tạo, tốc độ phải là tiêu chí hàng đầu.

Điều tối kỵ trong sáng tạo, là các doanh nghiệp, tổ chức, quốc gia rơi vào việc “phát minh ra bánh xe” (invent the wheel) – hàm ý về việc sáng tạo ra những thứ mà mọi người đã biết từ lâu, thay vì dựa vào những thành quả phát minh của nhân loại để tạo nên những sáng tạo mới thông qua các “kết nối điểm” (connecting the dots) thì doanh nghiệp hay quốc gia lại loay hoay xây lại mọi thứ từ đầu. Steve Jobs từng đưa ra khái niệm, đổi mới sáng tạo chính là kết nối những gì có sẵn trong tri thức nhân loại để tạo ra những giá trị mới.

Thiếu tốc độ, mọi sáng tạo đều lập tức trở nên lỗi nhịp/lỗi thời trong cuộc CMCN 4.0. Để Việt Nam nhanh chóng trở thành điểm đến sáng tạo trong khu vực, cần ba yếu tố trụ cột (innovation management framework): 1. Chính sách hỗ trợ và khuyến khích, luật sở hữu trí tuệ từ chính phủ; 2. Khung đổi mới sáng tạo từ doanh nghiệp; 3. Tinh thần sáng tạo từ mỗi con người trong tổ chức và xã hội.

Trong đó doanh nghiệp đóng vai trò chủ đạo trong hành trình đưa Việt Nam trở thành quốc gia sáng tạo, chính phủ chính là chất xúc tác, còn giáo dục là nền tảng để tạo ra những con người có trí tuệ và khả năng.

Một quốc gia sáng tạo, thiết cần:

- Một thái độ đúng với tinh thần hợp tác win-win trong đổi mới sáng tạo: Tôn trọng bản quyền, sở hữu trí tuệ; cùng hợp tác tạo các giải pháp, giá trị mang tính đổi mới;
- Một ngân sách đầu tư cho R&D đủ lớn: Ngay thời điểm khó khăn nhất cũng là lúc cần chú tâm nhiều nhất đến R&D;
- Chú trọng đến chất lượng: Sự thành bại của quốc gia dựa vào các giá trị mà sáng tạo mang lại. Không nên chỉ chú tâm đến số lượng bằng phát minh mà cần chính sách khuyến khích những ý tưởng sáng tạo đem lại giá trị và có tầm ảnh hưởng lớn đến nhân loại.

Cuối cùng, nguồn nhân lực sáng tạo chính là các “nguyên tử” tạo nên quốc gia sáng tạo. Một nền giáo dục khai phóng, khuyến khích tự do tư tưởng chính là nền tảng tạo nên nguồn nhân lực sáng tạo.

Thiếu một trong ba trụ cột trên, chúng ta khó lòng đạt được hoài bão sáng tạo./.

(*) Ông Nguyễn Bá Quỳnh hiện là phó chủ tịch cấp cao Hitachi Consulting, tổng giám đốc Global Cybersoft - thành viên tập đoàn Hitachi.

Xem thêm tin tức:

Chuỗi QTSC

Thành viên QTSC