VNITO 2019: Điểm đến đổi mới sáng tạo, cơ hội cho ngành CNTT Việt Nam bứt phá

Hội nghị Phát triển dịch vụ CNTT Việt Nam 2019 với chủ đề “Việt Nam – Điểm đến cho đổi mới sáng tạo” (VNITO 2019) đã diễn ra hôm nay 24/10 tại TP.HCM, thu hút đông đảo khách mời trong nước và quốc tế. Bên cạnh bàn về những yếu tố mấu chốt thúc đẩy hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, làm sao để thành công trong chuyển đổi số…, Hội nghị còn tổ chức kết nối cho hơn 200 cuộc gặp gỡ tìm kiếm cơ hội, xúc tiến thương mại giữa đoàn doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ…

Hội nghị VNITO 2019 thu hút 500 khách mời, trong đó hơn 150 khách quốc tế

Hội nghị năm nay tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo và đồng tổ chức bởi Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC), Công viên phần mềm Quang Trung và Liên minh VNITO. Việt Nam đang được xem như một điểm sáng trong thời kỳ đổi mới sáng tạo, Hội nghị với mục đích phát huy tiềm năng và thế mạnh của ngành CNTT Việt Nam, giới thiệu cung cấp thông tin, dữ liệu và đánh giá thị trường CNTT Việt Nam từ các công ty nghiên cứu thị trường, các hãng công nghệ uy tín trên thế giới với các đối tác, khách hàng.

Việt Nam – chỉ số cạnh tranh toàn cầu tăng mạnh nhất thế giới

Các số liệu cho thấy, nền kinh tế số Việt Nam có tốc độ tăng trưởng dẫn đầu trong khu vực ASEAN với hơn 40%/năm (theo e-Conomy Southeast Asia, 2019). Chỉ số đổi mới toàn cầu của Việt Nam được xếp hạng 42/129 quốc gia (GII Report, 2019). Chỉ số cạnh tranh toàn cầu (GCI) của Việt Nam tăng mạnh nhất thế giới, tăng 10 bậc, và được xếp hạng 67/141 nền kinh tế (theo WEF, 2019). Đặc biệt, Hà Nội và TP.HCM nằm trong top 10 thành phố năng động nhất thế giới năm 2019 theo bảng xếp hạng City Momentum Index 2019 (CMI) của Jones Lang LaSalle (JLL). Sự kiện Viettel công bố triển khai thử nghiệm 5G thành công tại TP.HCM trong tháng 9 vừa qua cũng đánh cột mốc quan trọng, trở thành khu vực đầu tiên triển khai 5G tại Việt Nam. Bởi công nghệ 5G được cho là sẽ giúp cho hoạt động của TP.HCM trở nên năng động hơn trong tương lai, dẫn đầu cả nước trong quá trình chuyển đổi kỹ thuật số.

Hơn nữa, ông Lâm Nguyễn Hải Long – Chủ tịch Danh dự Liên minh VNITO, Giám đốc Công viên Phần mềm Quang Trung (QTSC) cho biết thêm, Việt Nam đang có tỷ lệ các công ty khởi nghiệp cao thứ ba ở Đông Nam Á, với 3.000 doanh nghiệp khởi nghiệp (2019) và tiếp tục tăng lên sau mỗi năm. Bên cạnh đó, các công ty công nghệ của Việt Nam đang đi cùng xu hướng phát triển công nghệ mới của thế giới trong cuộc CMCN 4.0 ở hầu hết các lĩnh vực, bao gồm dữ liệu lớn (Big Data), trí tuệ nhân tạo/học máy (AI/ML), Internet vạn vật (IoT), chuỗi khối (Blockchain), chuyển đổi số (Digital Transformation)... Chính phủ Việt Nam và TP.HCM cũng đang tích cực triển khai các đề án xây dựng đô thị thông minh trong cả nước, thúc đẩy các chương trình khởi nghiệp sáng tạo và đề án xây dựng TP.HCM trở thành trung tâm tài chính của khu vực và quốc tế... 

“Đây chính là lợi thế rất lớn cho Việt Nam, đặc biệt là cho các doanh nghiệp muốn triển khai sản phẩm dựa trên nền tảng công nghệ mới, và cũng là cơ hội vàng để ngành công nghiệp CNTT Việt Nam bứt phá, trở thành "Trung tâm đổi mới sáng tạo – Innovation Hub" hàng đầu tại Đông Nam Á” – ông Long khẳng định.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Phạm Thiết Hòa – Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại & Đầu tư TP.HCM (ITPC) nhận định, TP.HCM luôn đi đầu trong làn sóng đổi mới sáng tạo và bùng nổ khởi nghiệp, với số lượng các công ty khởi nghiệp chiếm gần 50% của cả nước. Thành phố đã xây dựng một chương trình 4 năm (2016-2020) để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ có năng lực cạnh tranh và hội nhập toàn cầu. Với vai trò là cầu nối mở rộng hợp tác đầu tư giữa Việt Nam với quốc tế, ITPC cam kết luôn đồng hành, hỗ trợ các doanh nghiệp CNTT Việt Nam đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, giới thiệu tiềm năng của Việt Nam về các công nghệ mới đến với các nhà đầu tư trong nước và quốc tế.

Tại Hội nghị Phát triển Dịch vụ CNTT Việt Nam 2019 đã diễn ra Lễ ký kết thoả thuận hợp tác giữa Liên minh VNITO và 6 tổ chức quốc tế, trong đó 3 tổ chức đến từ Nhật Bản (gồm Trung tâm Chiến lược và Đổi mới CNTT Okinawa, Tổ chức Heart Industry Holdings - Ủy ban trao đổi Sinh viên Quốc tế Nhật Bản, Hiệp hội các doanh nghiệp phần mềm thành phố Fukuoka), và 3 tổ chức đến từ Hàn Quốc gồm Trung tâm Hợp tác CNTT Hàn Quốc tại TP.HCM (KICC HCM), Hiệp hội Phần mềm Thương mại Hàn Quốc (KOSW), Tổ chức Kết nối Thương mại Hàn Quốc (Korean Trade Network). Lễ ký kết giữa các bên nhằm mục đích đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại và hợp tác kinh doanh trong lĩnh vực CNTT của Việt Nam ra hai thị trường trọng điểm Hàn Quốc và Nhật Bản nói riêng, thị trường thế giới nói chung.

Liên minh VNITO ký kết hợp tác chiến lược với 6 tổ chức Hàn Quốc và Nhật Bản

Xây dựng cộng đồng lập trình và nền tảng mở, đẩy nhanh nghiên cứu, sáng tạo

Để hỗ trợ thúc đẩy hệ sinh thái đổi mới sáng tạo Việt Nam, bà An Mei Chen (người Mỹ gốc Việt, đã có 25 năm kinh nghiệm trong ngành công nghiệp không dây và là nhà phát minh với hơn 400 bằng sáng chế), Giám đốc kỹ thuật cấp cao tập đoàn Qualcomm cho rằng tốt nhất cần triển khai thông qua các đối tác địa phương. Thời gian qua, Qualcomm đã hợp tác và cung cấp bằng sáng chế cho các doanh nghiệp Việt Nam như VinSmart, BKAV, Viettel, VNPT, Homatech, Samsung Vina… trong việc sản xuất các thiết bị sử dụng công nghệ của Qualcomm.

Chia sẻ những công nghệ mới có tác động mạnh mẽ đến sự đổi mới sáng tạo, Qualcomm dự báo các nhà máy sản xuất trong tương lai đều sẽ kết nối mạng không dây, và công nghệ 4G cải tiến cùng công nghệ 5G sẽ phục vụ đắc lực trong ngành sản xuất công nghiệp và kết nối mạng lưới IoT. Hiện Qualcomm đang nghiên cứu một công nghệ mới có tên gọi C-V2X, công nghệ này cho phép giữa xe hơi – xe hơi, giữa xe hơi – người đi bộ có thể trao đổi và chia sẻ thông tin với nhau qua kết nối đám mây và phân tích của trí tuệ nhân tạo (AI).

Bà An Mei Chen, Giám đốc kỹ thuật cấp cao tập đoàn Qualcomm

Mức độ đầu tư CNTT trong doanh nghiệp, tổ chức cũng là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến sự đổi mới sáng tạo. Trong một nghiên cứu Tầm nhìn CIO toàn cầu do KPMG thực hiện khảo sát với gần 300.000 CIO thuộc 108 quốc gia, ông Will Nguyen, Giám đốc sáng tạo KPMG Việt Nam cho hay, 44% doanh nghiệp ưu tiên đầu tư cho công nghệ đám mây, 7% cho IoT và chỉ 4% cho AI. Gần đây, Việt Nam cũng đã bắt đầu có nhiều đầu tư vào công nghệ tự động hóa, gia tăng sử dụng robot. Dự đoán trong 2-3 năm tới sẽ có làn sóng tự động hóa tại Việt Nam. Trong 108 quốc gia khảo sát, Việt Nam xếp vị trí thứ 2 cam kết thực hiện thay đổi các chủ đạo lớn trong tất cả các lĩnh vực, và xếp vị trí thứ 3 cam kết đưa tự động hóa vào kinh doanh, sản xuất. Điều đó cho thấy quyết tâm rất lớn trong câu chuyện đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số của Việt Nam.

Tuy nhiên, theo kết quả khảo sát, mức độ đầu tư CNTT trong doanh nghiệp Việt Nam hiện tương đối thấp, chỉ 2% (trong khi các nước trong khu vực là 5%). Về vấn đề này, ông Will Nguyen cho rằng Việt Nam cần có lộ trình đầu tư CNTT mang tính chiến lược. Mặt khác, nhìn chung đến thời điểm này Việt Nam vẫn là một thị trường chủ yếu dựa vào nguồn nhân lực lao động. Vì vậy đội ngũ này cần được trang bị để có kỹ năng tốt hơn, cao cấp hơn, hướng tới phát triển nguồn nhân tài cấp độ cao. Bên cạnh đó, cần có những nhà lãnh đạo công nghệ có kiến thức vững vàng để cùng nhau thúc đẩy nghiên cứu, sáng tạo và ứng dụng.

Ông Mark Birch, Giám đốc khu vực Châu Á Thái Bình Dương, công ty Stack Overflow chia sẻ về sức mạnh của cộng đồng lập trình

Vậy làm thế nào để xây dựng được một đội ngũ hợp tác cải tiến sáng tạo? Theo ông Mark Birch, Giám đốc khu vực Châu Á Thái Bình Dương, công ty Stack Overflow là phải tham gia vào cộng đồng các nhà  phát triển lớn nhất thế giới. Đổi mới sáng tạo, theo quan điểm của ông Mark về cơ bản là tạo ra một cộng đồng lập trình viên. Cộng đồng này trên thế giới đang phát triển rất nhanh, dễ dàng tạo ra các kết quả lập trình mang lại giá trị cho cộng đồng trong việc sáng tạo.

Để thực hiện đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp, tổ chức, ông Mark cho rằng cần hội đủ 4 yếu tố: Văn hóa tôn trọng đối với kỹ sư; Có năng lực và tài chính; Có kiến thức và sẵn sàng chia sẻ thông tin; Có hệ sinh thái mở, tương tác với các tổ chức bên ngoài. Việc xây dựng nền tảng tri thức, xây dựng cộng đồng lập trình viên và có một nền tảng mở dễ sử dụng với những quy tắc chung, có chuyên gia kiểm soát về mặt chất lượng các câu trả lời cho cộng đồng chính là cách xây dựng cộng đồng lập trình viên hiệu quả, đẩy nhanh quá trình đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp.

Các diễn giả tham gia trình bày tại VNITO 2019 đến từ các tập đoàn, công ty hàng đầu như Qualcomm, IBM APAC, NVIDIA, KPMG, Siemens, Mitsubishi UFJ Research and Consulting, Global CyberSoft – A Hitachi Consulting Company, TMA Solutions, Nashtech, Global CyberSoft – A Hitachi Consulting Company, DIGI-TEXX VIETNAM, S3Corp., LogiGear, LARION, AWS, D-Ocean, KMS Technology, TESO Soft, IMT Solutions, Lotus App…

Hội nghị thu hút hơn 500 khách tham dự, trong đó có 150 khách quốc tế. Bên cạnh các hội thảo chuyên đề, kết nối giao thương, còn có khu vực triển lãm với 64 gian hàng công nghệ, tiệc gala dinner, các chương trình tham quan các khu công nghệ, khu phần mềm, tham quan các doanh nghiệp CNTT Việt Nam tiêu biểu và giải Golf VNITO 2019.

Bạch Đông - TGS

Xem thêm tin tức:

Chuỗi QTSC

Thành viên QTSC