Buổi tư vấn trực tuyến cùng TS.BS Nguyễn Văn Hảo với chủ đề “Có nên xem Covid-19 là bệnh đặc hữu?”

Chiều ngày 01/03/2022, Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC) đã tổ chức buổi tư vấn trực tuyến cùng TS.BS Nguyễn Văn Hảo với chủ đề “Có nên xem Covid-19 là bệnh đặc hữu?”. Tại buổi tư vấn, TS.BS Nguyễn Văn Hảo đã trả lời nhiều câu hỏi đặt ra từ khách hàng, đối tác và nhân sự đang làm việc tại Công viên phần mềm Quang Trung.

Câu 01: Bệnh đặc hữu được hiểu như thế nào cho đúng? Và nếu xem Covid-19 là bệnh đặc hữu thì có phải là Covid-19 đã ít nguy hiểm hơn rồi không?

Bệnh đặc hữu có nghĩa là bệnh đó không còn là bệnh dịch nữa, tức là nó hiện diện, tồn tại và chúng ta phải sống chung với nó. Tuy nhiên, hiện nay chúng ta cũng đang sống chung với Covid-19 nhưng để xem nó như là một căn bệnh chuyên khoa truyền nhiễm thì vẫn còn có rất nhiều tranh cãi xoay quanh việc này. Thứ nhất, hiện tại WHO vẫn chưa công nhận hết đại dịch Covid-19. Thứ hai, theo ý kiến các chuyên gia, mặc dù tình hình dịch bệnh ở nước ta đang tạm ổn, tuy số ca mắc mới tăng cao nhưng số ca tử vong giảm, tỷ lệ tiêm vaccine bao phủ khá rộng với trên 80% dân số, nhưng vấn đề đáp ứng y tế khi có các ca nặng tăng vọt tại nước ta vẫn chưa đảm bảo, nên không được chủ quan.

Do đó, theo Bộ Y tế hiện nay vẫn phải xem Covid-19 là một bệnh dịch và chúng ta luôn trong tư thế sẵn sàng ứng phó trong mọi tình huống. Tuy nhiên, chúng ta vẫn thích ứng an toàn, tức là bình thường hóa mọi sinh hoạt hàng ngày như đi học, đi làm,… và tuân thủ nguyên tắc 5K, tiêm vaccine.

Câu 02: Hiện nay, một số bộ phận người dân đang có tâm lý bản thân và những người xung quanh có thể trở thành F0 bất cứ lúc nào, hoặc suy nghĩ mình đã tiêm đủ liều vaccine nên nếu có mắc thì cũng chỉ bị nhẹ,… vì vậy mà chủ quan phòng dịch. Bác sĩ có thể cho ý kiến về vấn đề này được không ạ?

Hiện tại đa số người dân khá chủ quan với dịch bệnh. Chúng ta trở về trạng thái bình thường nhưng phải “thích ứng an toàn”, tuân thủ 5K, hạn chế tụ tập. Nếu trở thành F0 nên uống thuốc điều trị ngay, đặc biệt là người lớn tuổi, có bệnh nền phải uống thuốc sớm, không chủ quan, coi thường dịch bệnh dù đã được tiêm đủ vaccine.

Câu 03: Gần đây khi mà trẻ em đã bắt đầu đi học trở lại trực tiếp tại trường, số trẻ em mắc Covid-19 tăng cao. Vậy cha mẹ cần chuẩn bị gì cho con để đảm bảo an toàn cho trẻ khi đi học trở lại và cần phải làm gì khi lớp con có bạn nhiễm Covid-19 ạ?

Các bé khi đi học phải đeo khẩu trang, tuy nhiên trẻ em thường ý thức tuân thủ không tốt như người lớn nên nguy cơ lây nhiễm cũng khá cao. Khi trong lớp có F0, cần xác định các bé là F1 gần. Các bé khi nhiễm chủng Omicron thường sẽ có triệu chứng sốt, đau họng, ho, sổ mũi. Do đó, khi các bé F1 có những triệu chứng như trên, nên test nhanh cho trẻ. Tuy nhiên, chỉ test vào ngày thứ 1-2 sau khi tiếp xúc với F0, vì trong giai đoạn ủ bệnh sẽ không cho ra kết quả dương tính ngay. Nếu test lần 1 cho ra kết quả âm tính, nên chờ thêm 2 ngày sau mới test lại lần nữa. Tuy nhiên, những triệu chứng trên cũng có thể do những bệnh khác gây ra (ví dụ: sốt xuất huyết, viêm phế quản,…) nên cần theo dõi và cho trẻ đi khám hoặc gọi bác sĩ tư vấn, không tự ý uống thuốc. Chỉ nên cho trẻ uống thuốc hạ sốt, vitamin C, nước cam, nước chanh,… để trẻ được tăng cường miễn dịch và cho trẻ nghỉ ngơi khi có các triệu chứng trên. Đặc biệt, trẻ em không được uống thuốc kháng virus, do sẽ làm chậm phát triển sụn xương của trẻ.

Câu 04: Trẻ em khi mắc Covid-19 có nên dùng các loại thuốc kháng virus như monu hay favi không?

Trẻ em chống chỉ định sử dụng các loại thuốc kháng virus vì sẽ làm chậm phát triển sụn xương của trẻ. Không nên dựa vào vạch xét nghiệm dương tính lên màu đậm thì cho là virus rất nhiều tức là bệnh nặng, đây là nhận định hoàn toàn sai lầm. Sốt, ho, sổ mũi là có triệu chứng, nhưng chưa phải là nặng mà chỉ như bệnh cảm thông thường. Độ nặng của Covid-19 thường xảy ra vào giai đoạn ngày thứ 5-7. Chúng ta cũng cần theo dõi Oxy của trẻ, đo nồng độ SPO2 trong máu, trẻ em chỉ số bình thường sẽ vào khoảng 98-99%. Do đó, vạch đậm nhạt là liên quan đến tải lượng virus, không phải độ nặng nhẹ của bệnh. Trẻ bị nặng sẽ có triệu chứng tuột Oxy hoặc sốt cao liên tục có dấu hiệu tổn thương đa cơ quan (viêm cơ tim, viêm mạch máu,…). Trong những trường hợp này nên đưa trẻ đến khám tại chuyên khoa Covid-19 tại BV Nhi Đồng 1, BV Nhi Đồng 2.

Câu 05: Cháu 6 tuổi ở nhà bị F0, sốt 2 đêm thì hết, cháu nên test nhanh lại vào ngày thứ mấy thưa bác sĩ? Cháu lâu lâu còn ho, cần đi khám hay uống thuốc thêm không ạ?

Vẫn tiếp tục theo dõi cháu trong mấy ngày sắp tới. Chỉ dùng thuốc hạ sốt, thuốc điều trị triệu chứng, không dùng thuốc kháng sinh, kháng viêm, kháng virus. Theo dõi thường xuyên Oxy trong máu, đo nhiệt độ. Nếu SPO2 giảm có thể trẻ bị viêm phổi. Trẻ thở nhanh cũng là một dấu hiệu cho thấy bị viêm phổi. Sau 5 ngày có thể test nhanh lại cho trẻ.

Câu 06: Thuốc kháng virus được cho phép bán trực tiếp ra thị trường tại 1 số quầy thuốc, vậy người dân có nên mua thuốc và tự điều trị không ạ?

Thuốc kháng virus phải có toa thuốc của bác sĩ và chứng nhận là F0 mới được phép mua. Người bệnh không nên tự ý dùng thuốc kháng virus, nên theo tư vấn và chỉ định của bác sĩ. Đặc biệt, những người già, có bệnh nền nhiễm Covid-19, dù đã được tiêm vaccine vẫn phải uống thuốc kháng virus đúng chỉ định sớm trong 3-5 ngày đầu. Vì khi bị Covid-19 sẽ khiến cho bệnh nền trở nặng gây nguy hiểm cho người bệnh.

Câu 07: Bác sĩ có thể chia sẻ thêm về Hội chứng viêm đa hệ thống ở trẻ em sau khi mắc Covid-19 và cách phòng ngừa được không ạ?

Hội chứng viêm đa hệ thống có nghĩa là sau khi virus xâm nhập vào cơ thể người bệnh, sau một thời gian nó sẽ tương tác với hệ miễn dịch và tạo ra phức hợp kháng nguyên, kháng thể gây ra tổn thương các mạch máu, tức là viêm mạch máu toàn thân và gây ảnh hưởng đến rất nhiều cơ quan. Khi đó, trẻ có thể bị sốt cao, đỏ da, phát ban ngoài da, đau nhứt xương khớp, tổn thương gan, tim, thận, não,… vào thận thì gây suy thận, tim thì gây viêm cơ tim, não thì gây viêm màng não,… kèm với sốt rất cao. Khi đó trẻ cần phải nhập viện, dùng các thuốc kháng viêm, thuốc điều hòa miễn dịch,… Giai đoạn tổn thương này thường xảy ra sau 5-7 ngày sau khi nhiễm virus.

Câu 08: Bác sĩ cho em hỏi, hiện tại các bé từ 5-11 tuổi đang chuẩn bị được tiêm vaccine. Vậy có cần xét nghiệm PCR để xem các bé đã từng nhiễm trước khi tiêm không? Vì hiện tại một số bé bị nhiễm nhưng triệu chứng nhẹ và lướt qua không biết ạ.

Theo tôi thì không cần thiết phải làm PCR, vì chi phí khá lớn cho gia đình và xã hội. Dù trẻ đã nhiễm hay chưa thì vẫn cho trẻ tiêm vaccine bình thường.

Câu 09: Hiện nay em đang thấy có nhiều thông tin về di chứng sau Covid-19. Em muốn hỏi là có rất nhiều người nhiễm Covid-19 không triệu chứng, hoặc triệu chứng rất nhẹ, tự chữa ở nhà khỏi, và không có bệnh nền. Vậy những người này có nguy cơ di chứng sau khi hồi phục không ạ?

Hậu Covid-19 được phân tầng là người nhẹ không triệu chứng và người nặng. Những ca bệnh nặng, phổi bị tổn thương, xơ hóa nhiều, di chứng lên phổi khiến người bệnh bị suy hô hấp, phải tập vật lý trị liệu về hô hấp kéo dài 1-2 tháng mới có thể hoạt động lại bình thường. Một số người bị cứng cơ do thời gian nằm bệnh kéo dài. Đối với người nhẹ không triệu chứng, vẫn có thể bị hậu Covid-19 như rụng tóc, rối loạn lo âu (thường hay gặp nhất),… Chứng rụng tóc thường vẫn chừa lại chân tóc nên người bệnh có thể yên tâm và bớt lo lắng, sau một thời gian tóc sẽ mọc lại bình thường. Còn chứng rối loạn lo âu, có nghĩa là thấy mình mệt, thở hụt hơi, khó thở,… đây là rối loạn liên quan đến thần kinh. Lúc này, cần phải tập thể dục đều đặn, nghỉ ngơi, thư giãn, không quá căng thẳng, lo lắng. Có thể uống thêm thuốc hỗ trợ về chống lo âu theo tư vấn của bác sĩ chuyên khoa tâm lý nếu cần.

Câu 10: Thưa bác sĩ, nếu trong 3 tháng đầu thai kỳ, sản phụ mắc Covid-19 thì có nguy hiểm không ạ? Và mình có cần làm thêm những xét nghiệm gì để có thể an tâm trong thời gian thai kỳ không ạ?

Hiện nay, vẫn chưa thấy nhận định về tỷ lệ Covid-19 gây ra dị tật cho bào thai so với các bệnh sởi, rubella,… Nếu trong 3 tháng đầu bị nhiễm Covid-19, cứ theo dõi bình thường, uống thuốc hạ sốt, tuyệt đối không uống thuốc kháng virus. Trong các tháng tiếp theo vẫn khám thai định kỳ và theo dõi như thông thường bên chuyên khoa thai sản. Tuy nhiên, cần chú ý theo dõi kỹ nồng độ Oxy, và khám chuyên khoa sớm khi sản phụ bị hạ Oxy.

 Dự kiến, buổi tư vấn trực tuyến tiếp theo của TS.BS Nguyễn Văn Hảo sẽ được tổ chức từ 15g30 - 16g30, thứ Ba ngày 15/03/2022 với chủ đề “Covid-19: Tổng kết và nhìn lại”.

Dự kiến, buổi tư vấn trực tuyến tiếp theo của TS.BS Nguyễn Văn Hảo sẽ được tổ chức từ 15g30 - 16g30, thứ Ba ngày 15/03/2022 với chủ đề “Covid-19: Tổng kết và nhìn lại”.

---

Xem thêm thông tin về Buổi tư vấn định kỳ lần 1: https://www.qtsc.com.vn/tin-tuc/chuong-trinh-tu-van-truc-tuyen-voi-ts-bs-nguyen-van-hao-ve-covid-19 

Xem thêm thông tin về Buổi tư vấn định kỳ lần 2: https://www.qtsc.com.vn/tin-tuc/chuong-trinh-tu-van-truc-tuyen-dinh-ky-cua-tsbs-nguyen-van-hao-ve-xet-nghiem-covid-19-va-nhung-van-de-thuong-gap    

Xem thêm thông tin về Buổi tư vấn định kỳ lần 3: https://www.qtsc.com.vn/tin-tuc/buoi-tu-van-thu-3-voi-bac-si-nguyen-van-hao-ung-xu-can-thiet-khi-phat-hien-f0-trong-doanh-nghiep-va-gia-dinh    

Xem thêm thông tin về Buổi tư vấn định kỳ lần 4: https://www.qtsc.com.vn/tin-tuc/buoi-tu-van-thu-4-dieu-tri-covid-19-tai-nha-nhung-dieu-can-biet-doi-voi-nguoi-than-va-vat-nuoi    

Xem thêm thông tin về Buổi tư vấn định kỳ lần 5: https://www.qtsc.com.vn/tin-tuc/bac-si-nguyen-van-hao-tu-van-chu-de-so-5-la-chan-nao-cho-tre-em-trong-dai-dich-covid-19   

Xem thêm thông tin về Buổi tư vấn định kỳ lần 6: https://www.qtsc.com.vn/tin-tuc/buoi-tu-van-truc-tuyen-tiep-theo-cua-tsbs-nguyen-van-hao-chu-de-covid-19-va-cac-doi-tuong-co-nguy-co-cao  

Xem thêm thông tin về Buổi tư vấn định kỳ lần 8: https://www.qtsc.com.vn/tin-tuc/chuong-trinh-tu-van-truc-tuyen-voi-chu-de-binh-thuong-moi-trong-dai-dich-covid-19 

Xem thêm tin tức:

Chuỗi QTSC

Thành viên QTSC